image banner
Năm 2023 đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số
Bất cập khai thác khoáng sản ở Thủy Nguyên
Lượt xem: 358
 2 năm trở lại đây, hoạt động khai thác khoáng sản ở huyện Thủy Nguyên dần đi vào nền nếp. Với sự “mạnh tay”, quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, tình trạng khai thác trái phép lộn xộn, tràn lan từng gây bức xúc trong dư luận đến nay cơ bản đã chấm dứt. Tuy nhiên, hiện sự phức tạp lại nảy sinh từ phía các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân được cấp phép khai thác… mà nguyên nhân chính là do cơ chế quản lý hoạt động này còn nhiều bất cập.
 Bất cập khai thác khoáng sản ở Thủy Nguyên

    2 năm trở lại đây, hoạt động khai thác khoáng sản ở huyện Thủy Nguyên dần đi vào nền nếp. Với sự “mạnh tay”, quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, tình trạng khai thác trái phép lộn xộn, tràn lan từng gây bức xúc trong dư luận đến nay cơ bản đã chấm dứt. Tuy nhiên, hiện sự phức tạp lại nảy sinh từ phía các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân được cấp phép khai thác… mà nguyên nhân chính là do cơ chế quản lý hoạt động này còn nhiều bất cập.



 “Kẽ hở” cấp phép khai thác khoáng sản

    Có mặt tại khu vực khai thác đá của Công ty TNHH đầu tư khoáng sản Tâm Phúc Thịnh trên núi Ba Đồng (núi Đao), thuộc thôn Bạch Đằng, xã Lưu Kỳ, chúng tôi không khỏi giật mình vì những tiếng mìn nổ long trời. Đã đành khoan đá phải nổ mìn, song người dân thôn Bạch Đằng luôn nơm nớp nỗi lo sợ vì cách khu vực bắn mìn chỉ hơn 200m là hang quân sự chứa khí tài từ thời kháng chiến chống Mỹ. Nếu bom, mìn, thủy lôi… chứa trong hang phát nổ thì hậu quả thật khó lường. Thế nhưng, các công nhân ở đây vẫn vô tư nổ mìn bắn đá trong khi “tử thần” rình rập.

    Được biết, Công ty Tâm Phúc Thịnh được thành phố ký giấy phép số 203 ngày 29-1-2008 khai thác mỏ Núi Đao, trữ lượng 571,131 m3 trong thời hạn 5 năm, công suất 49.000m3/năm. Cẩn thận giở từng văn bản, ông Đào Văn Lợi, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Lưu Kỳ thống kê, mới 2 năm hoạt động nhưng xã đã phải giải quyết hàng chục đơn kiến nghị về việc công ty khai thác đá làm ảnh hưởng tới nhà cửa, ruộng lúa, hoa màu… của các hộ dân xung quanh. Đó là chưa kể lượng khói bụi ô nhiễm, tiếng ồn gây bức xúc cho cả thôn. “Trước khi có quyết định thăm dò, địa phương cùng phía Hải quân đã kiến nghị nhiều lần nhưng không hiểu sao công ty vẫn được cấp phép khai thác” - ông Lợi phân vân.

    Không khó để có thể nhận thấy, đây chính là “hệ quả” của việc quản lý khai thác các mỏ khoáng sản một cách lỏng lẻo. Hiện không ít mỏ trên địa bàn huyện Thủy Nguyên nằm giữa khu dân cư, có tính chất an ninh quốc phòng… song vẫn bị “liệt” vào danh sách các núi phải “xẻ thịt”. Được quyền khai thác, vì lợi nhuận doanh nghiệp cứ “nhắm mắt làm liều” trong khi chính quyền địa phương thì “khổ sở” khi liên tục phải giải quyết các kiến nghị của nhân dân.

    Theo tìm hiểu của phóng viên, nhức nhối hơn cả là tình trạng mua đi bán lại các mỏ đá. Những chuyển nhượng này diễn ra “ngầm” khiến các mỏ đang là tài sản quốc gia bỗng chốc biến thành tài sản riêng của một số người. Hiện tượng “đầu cơ” mỏ khoáng sản vì thế mà cũng xuất hiện. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức dù không đủ năng lực tài chính để đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản hay thiếu kinh nghiệm và đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật chuyên sâu song vẫn đề nghị cấp giấy phép thăm dò và khai thác. Đến khi “sở hữu” giấy phép, họ lại bán lại cho người khác để kiếm lời. 

    “Kín đáo” hơn, nhiều doanh nghiệp đổi “chủ” nhưng tên công ty vẫn giữ nguyên. Trường hợp Công ty TNHH sản xuất, kinh doanh VLXD Tân Hòa là một ví dụ. Theo hồ sơ cấp phép, Tân Hòa được phép khai thác mỏ núi Dê (2,4ha), xã Lưu Kỳ từ năm 2003. Khi đó, đứng tên giám đốc công ty là ông Nguyễn Ngọc Ánh, ở Hải Dương, song đến năm 2007, doanh nghiệp này lại đăng ký cấp giấy phép mới với giám đốc mới là ông ĐỗVăn Sơn.

    Rõ ràng, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Thủy Nguyên đang bộc lộ nhiều bất cập và đó là những kẽ hở để các doanh nghiệp “lách” luật. Hoạt động khai thác khoáng sản mang lại lợi nhuận cao, trong khi chi phí đầu tư không quá lớn. Dù các sở ngành và địa phương tăng cường quản lý, song vì siêu lợi nhuận nên khó tránh được việc các doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách để “sở hữu” và “đầu cơ” mỏ khoáng sản. Để tránh lãng phí, thất thoát nguồn tài nguyên này cần một cơ chế quản lý hiệu quả song vẫn đảm bảo lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế. 

    Theo ông Nguyễn Trần Lanh, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, nên chăng áp dụng cơ chế đấu giá quyền khai thác khoáng sản thay vì cơ chế “xin - cho”. Theo cơ chế này, ông Lanh cho rằng trước hết cần một đề án “chuẩn” với các thông số cụ thể về diện tích, chất lượng, trữ lượng… của các mỏ. Tiếp đó, căn cứ vào giá thô (giá đầu vào của 1 sản phẩm thô đã trừ chi phí khai thác) để làm giá sàn. “Nếu thực hiện được cơ chế này, các doanh nghiệp sẽ “sòng phẳng”, minh bạch và bình đẳng trong việc dành quyền khai thác. Từ đó, công tác quản lý sẽ gọn nhẹ đồng thời nguồn thu thuế tài nguyên sẽ thực chất hơn chứ không phải như hiện nay” - ông Lanh khẳng định.

    Thủy Nguyên sẽ không còn quả núi nào…?

    Câu chuyện bắt đầu từ quyết định số 1065 của Thủ tướng Chính phủ ngày 9-7- 2010 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020 do Bộ Xây dựng trình ký.
Theo đó, huyện Thủy Nguyên có 6 dự án xi măng, trong đó 5 nhà máy đang hoạt động gồm: xi măng Hải Phòng, xi măng Chinfon - Hải Phòng, xi măng Phúc Sơn, xi măng Tân Phú Xuân, xi măng Xuân Thủy và 1 nhà máy đang được xây dựng trên địa bàn xã Gia Đức. Theo tính toán của ông Lại Đức Long, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thủy Nguyên, hiện nguồn tài nguyên đá vôi ở Thủy Nguyên có trữ lượng khoảng 380 triệu m3. Nếu hoạt động trong vòng 50 năm, với công suất như hiện nay thì 6 dự án này phải “ngốn” 500 triệu m3. “Do vậy, muốn có đủ nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy xi măng này, trong tương lai thì chỉ còn cách là san bằng tất cả các quả núi trên địa bàn huyện.” - ông Long kết luận.

    Ông Nguyễn Trần Lanh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trước khi có quyết định triển khai xây mới một số dự án xi măng trên địa bàn, địa phương đã phản đối vì nguồn nguyên liệu không đủ để có thể cung cấp. Tuy nhiên, chủ đầu tư lý giải, nguồn nguyên liệu xi măng sẽ “xin” ở phía các mỏ thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tỏ rõ sự bức xúc, ông Lanh khẳng định: “Hiện theo quyết định thì nguyên liệu lại được quy hoạch ở Thủy Nguyên. Đây là một mâu thuẫn khi nhu cầu nguyên liệu được dự báo là quá lớn so với nguồn tài nguyên thực tế có hạn. Với trách nhiệm của mình, địa phương cũng đã cảnh báo, nhiều lần kiến nghị song không hiểu vì sao dự án vẫn cứ được phê duyệt?”.

    Cũng theo ông Lanh, quan điểm của địa phương là hết sức tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển kinh tế. Tuy nhiên, một số dự án lại quy hoạch cả những vùng cấm bao gồm những điểm an ninh quốc phòng, di tích lịch sử, văn hóa như khu vực núi Hang Lương (xã Gia Minh), Trại sơn B (xã An Sơn), một số hang động có tiềm năng du lịch (ở các xã: Lưu Kỳ, Liên Khê, Minh Tân)… Trong đó, đáng chú ý là núi Hang Lương. Về mặt lịch sử, đây chính là nơi giấu và cung cấp lương thực của quân đội nhà Trần trong chiến thắng Bạch Đằng vang dội do Trần Hưng Đạo chỉ huy và là 1 căn cứ của Thành ủy Hải Phòng trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp và thời kỳ tạm chiếm.

    Bên cạnh đó, theo quyết định không ít mỏ nhỏ, trữ lượng không nhiều nhưng cũng được “liệt” vào danh sách làm nguyên liệu và phụ gia xi măng. Ví dụ như núi Hang Trúc, ở xã Lưu Kỳ. Đây là quả núi như một hòn non bộ với trữ lượng chỉ 16.800 m3, lại nằm giữa cánh đồng song vẫn được đưa vào quy hoạch. Những núi này nếu đưa vào khai thác thì chỉ tính riêng việc làm đường vào khu vực cũng đã đắt hơn việc xây dựng các mỏ này, chưa kể phải phá hủy một diện tích mặt bằng không nhỏ đất đai là đồng ruộng.

    Thủy Nguyên từng được ví như “Hạ Long cạn” với những cảnh quan núi đá vôi kiểu địa hình caxto do thiên nhiên ban tặng. Việc phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế là yêu cầu chính đáng, tuy nhiên, nếu không nghiên cứu chặt chẽ thì rất dễ mất đi những cảnh quan thiên nhiên hàng triệu năm. Do vậy, trên cơ sở những kiến nghị của địa phương, các ngành cấp chức năng nên khảo sát lại toàn bộ các mỏ đá trên địa bàn Thủy Nguyên nhằm đảm bảo một quyết định quy hoạch đồng thuận đồng thời địa phương cũng yên tâm trong việc quản lý nguồn tài nguyên quốc gia.

(ĐỖ HIẾU- Báo ANHP)

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Tin mới